Chính trị
Kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva: Mốc son của lịch sử dân tộc
Kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva: Mốc son của lịch sử dân tộc
Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị Geneva về Đông Dương, ngày 8/5/1954. (Ảnh Tư liệu TTXVN)
Ngày 8/5/1954, một ngày sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội nghị Geneva về Đông Dương chính thức khai mạc. Trải qua 75 ngày căng thẳng và phức tạp, Hiệp định Geneva đã được ký vào ngày 21/7/1954. Thắng lợi của Hiệp định này đã đánh dấu một mốc son lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Thắng lợi vĩ đại của Nhân dân và quân đội ta
Cuối năm 1953, trước những chuyển biến mạnh mẽ trên cục diện chiến trường ở Đông Dương, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương mở cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, phối hợp với cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 để đi tới chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và toàn Đông Dương. Ngày 8/5/1954, đúng một ngày sau Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Hội nghị Geveve bắt đầu bàn về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Trải qua 75 ngày đàm phán căng thẳng và phức tạp với 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp cấp trưởng đoàn, Hiệp định Geneva đã được ký vào ngày 21/7/1954.
Ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Geneva thành công”, nhấn mạnh “Hội nghị Geneva đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to… ta đã thu được thắng lợi lớn… Từ nay, chúng ta phải ra sức đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc…”. Ngày 25/7/1954, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ toàn quốc, khẳng định: “Đạt được Hiệp định nói trên là một thắng lợi vĩ đại của Nhân dân và quân đội ta… cũng là thắng lợi của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, của nhân dân các nước bạn… của nhân dân Pháp… là thất bại của chủ nghĩa thực dân xâm lược… thất bại của đế quốc Mỹ…”.
Cùng với bản Tuyên bố về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương và Hiệp định đình chiến ở Đông Dương, bản Hiệp định đình chiến ở Việt Nam đã khẳng định độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, quy định quân đội nước ngoài phải rút khỏi Đông Dương, xác định các giới tuyến quân sự chỉ có tính tạm thời và mỗi nước Đông Dương sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do để thực hiện thống nhất đất nước...
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, với Hiệp định Geveve, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã chính thức được khẳng định trong một điều ước quốc tế và được các nước tham dự Hội nghị Geveve thừa nhận. Đây là cơ sở chính trị, pháp lý rất quan trọng để Nhân dân ta đấu tranh trên mặt trận chính trị, ngoại giao trong công cuộc giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước sau này. Cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ, việc ký kết Hiệp định Geneva đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta cũng như chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm tại Việt Nam.
Kinh nghiệm lịch sử quý giá
Trong bài tham luận trong Ấn phẩm đặc biệt 70 năm Hiệp định Geneva: Những bài học lịch sử, Đại tá.PGS.TS.Nguyễn Xuân Tú - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng nhận định, Hiệp định Geneva được ký kết là biểu hiện cho sự thành công của đường lối cách mạng, đường lối chiến tranh nhân dân “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh” do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, lãnh đạo.
Ông Nguyễn Xuân Tú khẳng định, Hiệp định Geneva được ký kết là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngoại giao Việt Nam khi lần đầu tiên bước lên vũ đài đàm phán đa phương với sự tham gia của các cường quốc, để bàn về các vấn đề liên quan đến quyền cơ bản của chính dân tộc mình trong bối cảnh tình hình thế giới và quan hệ quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, các nước lớn tham gia hội nghị đều theo đuổi những mục tiêu, lợi ích khác nhau… Việc ký kết giúp Việt Nam giành được thắng lợi, mang lại những quyền lợi to lớn và chính đáng cho dân tộc.
Cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva đã cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh vì hòa bình và độc lập dân tộc, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. Theo Bộ Ngoại giao, trong giai đoạn 1954 - 1964, có tới 17 trong 22 thuộc địa của Pháp đã giành độc lập.
Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama cũng khẳng định, Hiệp định Geneva là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam, để lại bài học kinh nghiệm quý báu không chỉ đối với riêng Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia trên thế giới. “Chúng tôi tin tưởng rằng, trong bất cứ cuộc chiến nào thì độc lập dân tộc vì chính nghĩa sẽ chiến thắng. Nhân dân Palestine chúng tôi luôn theo dõi và đã ghi nhận những thành tựu và thắng lợi của Việt Nam, cũng luôn hướng về những bài học kinh nghiệm đã rút ra”, Đại sứ Salama cho hay.
NGUỒN: Báo Pháp luật VN
Tư liệu văn bản
Video
Dự báo thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |