KINH TẾ - XÃ HỘI -DU lịch - dịch vụ
Sáng nay (23-12), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp có chủ đề “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững”. Đây là hội nghị đối thoại lần thứ ba với doanh nghiệp kể từ khi Thủ tướng nhậm chức năm 2016.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng 1.000 đại biểu đại diện các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các địa phương, tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp…
Đại diện Hà Nội dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu/VGP
Với quyết tâm đưa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam vào tốp đầu của ASEAN, hội nghị tiếp tục khẳng định cam kết Chính phủ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng tiên phong trên mặt trận kinh tế đang ngày càng lớn mạnh, với hơn 126.000 doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm. Riêng năm 2019, dự kiến đạt 136.000 doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên khoảng 760.000 doanh nghiệp.
Hội nghị cũng hướng tới mục tiêu truyền tải thông điệp của Chính phủ là: Thế giới đang thay đổi, hội nhập mạnh mẽ, thách thức về môi trường, các vấn đề xã hội ngày một phức tạp, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần tăng cường đoàn kết, liên kết sức mạnh, phát huy lòng tự hào dân tộc để phát triển lớn mạnh, đồng thời có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia, dân tộc, tạo dựng đất nước độc lập, tự chủ, bền vững và hùng cường.
Tại hội nghị, Thủ tướng, các thành viên Chính phủ tiếp tục lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia, hiệp hội, tổ chức quốc tế về các khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp và đối thoại, giải đáp, gỡ vướng để cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh Việt Nam, hiện đứng thứ năm trong ASEAN, thứ 70 trên thế giới, theo xếp hạng công bố tháng 10-2019 của Ngân hàng Thế giới (WB).
Hội nghị cũng được kỳ vọng là cơ sở để có thêm nhiều giải pháp, chính sách mới thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, để làm sao chúng ta đạt được mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu các nguyên nhân đang gây trở ngại cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập. Từ đó, hội nghị sẽ là cơ hội để tìm ra cơ chế đột phá, giúp doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu phát triển bền vững. Đồng thời, nâng cao sự tương tác, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy khởi nghiệp, các mô hình sáng tạo, nhân rộng điển hình, giải phóng mọi nguồn lực tạo sự bứt phá cho doanh nghiệp, doanh nhân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Doanh nghiệp phải dám nghĩ, dám làm, năng động, đề xuất ý kiến thẳng thắn, trung thực".
Thủ tướng nhấn mạnh: “Với doanh nghiệp, một tinh thần dám nghĩ dám làm, dám đột phá nhưng doanh nghiệp không được làm ẩu, vi phạm pháp luật. Còn các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, công an, toà án… cần thực sự trân trọng quyền con người, quyền công dân, quyền kinh doanh, quyền tài sản… theo Hiến pháp và pháp luật, theo tinh thần cởi trói, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, phát triển lành mạnh, bền vững, từ đó, góp phần tháo gỡ cùng Chính phủ”.
Nhấn mạnh năm 2020 là năm quan trọng về đối ngoại, đối nội của đất nước và cũng là năm hoàn thành nhiều mục tiêu trung hạn của nhiều doanh nghiệp, Thủ tướng nêu 4 vấn đề để cộng đồng doanh nghiệp thảo luận.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp nêu khó khăn, trở ngại trong quá trình sản xuất, kinh doanh như quy hoạch, tiếp cận đất đai, tín dụng, sử dụng lao động, thủ tục hành chính, thuế, hải quan, giấy phép, cung cấp điện nước… Đặc biệt là vấn đề thanh, kiểm tra chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp như thế nào, kể cả tình trạng cơ quan nhà nước "dọa nạt" doanh nghiệp khi doanh nghiệp có ý kiến trái chiều.
“Đặc biệt, cần biết và xử lý sự trì trệ của nhiều sở, ngành ở địa phương, đá qua đá lại, chậm chạp, làm mất thời cơ của doanh nghiệp; cần chỉ rõ văn bản của bộ, ngành nào bất hợp lý, mâu thuẫn, cản trở, không phù hợp; cơ quan nào gây nhũng nhiễu ở địa phương hay tập trung ở trung ương”, Thủ tướng nói.
Thứ hai, Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp nêu những thách thức, sức ép đối với doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, kinh tế đất nước ngày càng hội nhập, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đề xuất cách giúp doanh nghiệp tăng sức đề kháng, cạnh tranh, vượt qua thách thức. Thủ tướng cũng đề nghị hiến kế cho Chính phủ hoàn thành mục tiêu năm 2020 và 5 năm tới.
Thứ ba, Thủ tướng đề nghị nêu đề xuất những đột phá về cơ chế khuyến khích doanh nghiệp.
Thứ tư, Thủ tướng đề nghị nêu đề xuất giải pháp cải thiện, nâng cao tương tác giữa các bộ, ngành và địa phương; chia sẻ sáng kiến hay của doanh nghiệp mình, mô hình tốt của địa phương…
Trình bày tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 của nước ta đang gặp nhiều thách thức.
Mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng nhưng tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng kinh doanh vẫn còn ở mức cao. Tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể so với tổng số doanh nghiệp thành lập mới hằng năm trong giai đoạn 2017-2019 trung bình khoảng 58,1%. Trong đó, năm 2017 là 57,3%; năm 2018 là 67,7% và 11 tháng năm 2019 là 49,4%.
Tuy tăng mạnh về số lượng, song theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đứng trước những thách thức quan trọng. Việt Nam đặc biệt thiếu các doanh nghiệp quy mô lớn và doanh nghiệp vừa.
“Hiện tượng thiếu vắng doanh nghiệp cỡ vừa này dẫn tới sự mất cân đối trong cấu trúc các doanh nghiệp tư nhân chính thức. Mặc dù đã có những dấu hiệu tích cực trong 2-3 năm gần đây nhưng số lượng doanh nghiệp lớn của Việt Nam vẫn còn tương đối ít, với khoảng 17 nghìn doanh nghiệp được xếp hạng là quy mô lớn tính đến cuối năm 2018", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị để lãnh đạo các bộ, ngành giải đáp thắc mắc.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright bày tỏ niềm tin mạnh mẽ với mục tiêu Việt Nam hùng cường. Theo ông Tuấn, doanh nhân được ví như “vận động viên" nỗ lực giành tấm huy chương, nhưng sau bất kỳ tấm huy chương nào cũng là “nước mắt, mồ hôi".
“Đừng chỉ nhìn tấm áo vest của doanh nhân, mà đằng sau đó là mồ hôi, nước mắt để giành tấm 'huy chương kinh tế'. Chúng ta thức khuya để cổ vũ bóng đá, liệu chúng ta có làm việc cật lực để giúp doanh nghiệp đoạt tấm huy chương về kinh tế như cách chúng ta cổ vũ cho đội bóng hay không?”, ông Tuấn nêu vấn đề và thông tin thêm, có một thực tế là bên cạnh rất nhiều cán bộ lãnh đạo trăn trở vì sự phát triển của doanh nghiệp, vẫn còn các sở, ngành vô cảm, thờ ơ với doanh nghiệp, chưa xem sự khó khăn của doanh nghiệp là sự khó khăn của mình.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để tận dụng được cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động. Trong đó, cơ quan nhà nước ứng dụng để minh bạch, công khai hóa nhiều hơn. Đồng thời, tập trung nguồn lực để doanh nghiệp tham gia vào phát triển khoa học nghiên cứu, khơi dậy sự sáng tạo của cá nhân, doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Phát biểu kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị lắng nghe doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư. Chính phủ cũng đã có nhiều cải cách, nhưng vẫn cần phải nỗ lực hơn.
Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam thành công trong thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu, xóa đói nghèo và an sinh xã hội, chủ động tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Đến nay, Việt Nam đã có 800 nghìn doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 đạt 1 triệu doanh nghiệp. Chính phủ đặc biệt quan tâm tới chất lượng hoạt động của doanh nghiệp và nâng cao quy mô, hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp, phấn đấu có thêm nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, mang tầm cỡ quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam mới có 7 doanh nghiệp đứng trong tốp doanh nghiệp có doanh thu hơn 1 tỷ USD, chưa có doanh nghiệp nào lọt vào tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Thủ tướng mong muốn có thêm nhiều doanh nhân Việt kiều kinh doanh ở Việt Nam. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc định hướng phát triển, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, nhất là về mặt bằng, vốn, nhân lực... phục vụ thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo nghị quyết định hướng phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới, nhằm tháo gỡ tồn tại để doanh nghiệp yên tâm kinh doanh.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành xây dựng chương trình hành động thực hiện cam kết hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối tổng hợp báo cáo Thủ tướng. Các bộ, ngành cần phối hợp đào tạo nhân lực, tìm kiếm thị trường, xây dựng trung tâm triển lãm sản phẩm ở các thành phố lớn; tiếp tục có chính sách cởi mở hơn, cởi trói cho doanh nghiệp, huy động sự đóng góp hơn nữa của doanh nghiệp cho đất nước. Những lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân thực hiện tốt cần được khuyến khích để tư nhân thực hiện, bao gồm cả dịch vụ công.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tiếp tục nhất quán cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là khắc phục những bất cập mà doanh nghiệp còn có ý kiến, như đơn giản hóa hơn việc nộp thuế, tiếp cận đất đai... Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục giảm đáng kể danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; thiết lập ưu đãi về cơ chế tài chính tốt hơn, khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng liên kết phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần chấm dứt ngay tình trạng hù dọa doanh nghiệp khi có sai sót, tranh chấp hợp đồng. Các cơ quan nhà nước phải phân tích, phản biện để có cách làm tốt nhất, chấm dứt tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, phiền hà, làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Tuyệt đối không được có tư duy phân biệt đối xử, tham lớn bỏ nhỏ. Thời gian vừa qua, có tình trạng một số đơn vị chậm trễ trong thủ tục, ngay cả ở cấp trung ương cũng có bộ, ngành chậm trễ khi Thủ tướng yêu cầu.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn doanh nghiệp luôn quyết liệt, quyết tâm đồng hành cùng sự phát triển của đất nước. Thủ tướng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đoàn kết, tương tác, chủ động hợp tác để hỗ trợ nhau trên thương trường, cùng vươn ra biển lớn. Doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới chính mình, cải tiến liên tục, nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao uy tín thương hiệu, sản phẩm, tận dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...
"Đặc biệt, doanh nghiệp cần giữ gìn uy tín quốc gia như giữ da mặt của mình, nói không với sản xuất hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Doanh nghiệp kiên quyết không đưa hối lộ, nói không với tham nhũng. Doanh nghiệp cần có ý thức giữ gìn thương hiệu, bởi để mất thương hiệu không chỉ là thất bại của riêng doanh nghiệp, mà còn là hình ảnh của đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh.
* Bên lề hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu đã tham quan trưng bày các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, máy móc, thiết bị... của một số tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam.
Triển lãm trưng bày các thành tựu kinh tế, sản phẩm hàng hóa tiêu biểu của cộng đồng doanh nghiệp.
Các sản phẩm được trưng bày thể hiện sự phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững của khu vực doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Nguồn: HNMO
Tư liệu văn bản
Video
Dự báo thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |