Hoạt động của các Đoàn thể
“Chín năm làm một Điện Biên Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”
Hòa trong không khí hân hoan tưng bừng của Nhân dân cả nước hướng tới Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024). Thực hiện Kế hoạch số 03/KH-CCB-TĐ6 ngày 02/4/2024 của Cụm thi đua số 6 - Hội CCB Thành phố Hà Nội về việc “Tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”. Từ ngày 17/4 đến ngày 20/4/2024, Hội Cựu chiến binh Khối Doanh nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị trong Cụm thi đua (do Hội Khối làm Cụm trưởng) tổ chức “Hành trình Về nguồn - Tiếp lửa truyền thống” năm 2024 đầy ý nghĩa tại 2 tỉnh Điện Biên và Sơn La, nơi có các địa danh đã đi vào lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc.
Đoàn Về nguồn vinh dự có sự tham gia của các đồng chí: Lê Trung Kiên - UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo, Chủ tịch Hội CCB Khối Doanh nghiệp Hà Nội; Đào Xuân Định - Chủ tịch Hội CCB Cục Thuế Hà Nội; Vũ Văn Thủy - Chủ tịch Hội CCB Tổng Công ty đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD); cùng với các đồng chí là Chủ tịch, Phó Chủ tịch, UV BCH Hội CCB cơ sở trực thuộc Khối Doanh nghiệp Hà Nội; ngoài ra còn có các đồng chí là Chủ tịch Công đoàn Công ty, Bí thư Đoàn thanh niên cơ sở thuộc Khối; các đồng chí cán bộ, hội viên CCB của các cơ sở Hội trực thuộc Khối.
Nơi đầu tiên của hành trình Về nguồn, đoàn đã đến thăm và làm lễ dâng hương viếng Nghĩa trang Liệt sỹ A1, đồi A1, nơi đây có 644 ngôi mộ là những chiến sỹ quân dân ta đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Thăm di tích chiến tranh Hầm Đờ-Cát, Cầu Mường Thanh, Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, những địa danh vẫn còn dư âm oai hùng của cuộc chiến đấu mang ý nghĩa lịch sử của dân tộc ta.
Tiếp đó, đoàn đến thăm quan Bảo tàng lịch sử Điện Biên Phủ - Bảo tàng có 5 khu trưng bầy với 274 hiện vật và 122 bức tranh theo từng chủ đề: Vị trí chiến lược; tập đoàn cứ điểm của địch; đường lối chỉ đạo của Đảng; ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ và Điện Biên Phủ ngày nay.
Đặc biệt, được chiêm ngưỡng toàn cảnh bức tranh khổng lồ Panorama với hơn 3.000m2, tái hiện 4.500 nhân vật giữa chiến trận bi tráng trong 56 ngày cuối cùng của trận Điện Biên Phủ - là một trong ba bức tranh panorama lớn nhất thế giới về đề tài chiến tranh…
Ngày thứ hai của hành trình, đoàn đã đến thăm quan Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, đây cũng là nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Thăm quan các di tích: Chòi canh gác số 1, Hầm thông tin liên lạc, Đài quan sát, Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hầm của Ban cố vấn Trung Quốc, Nhà hội trường, Hầm Ban chính trị và Bộ chỉ huy chiến dịch…
Ngày thứ ba, đoàn đến thăm quan và dâng hương Đền thờ Liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ trên di tích đồi F, đây là ngọn đồi lịch sử từng chứng kiến trận đánh ác liệt nhất của các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, nơi đây có rất nhiều chiến sĩ đã hi sinh, họ thuộc nhiều tôn giáo khác nhau và cũng có những chiến sĩ không theo một tôn giáo cụ thể nào. Tại lòng hồ tưởng niệm, tỏa bóng lung linh trên mặt nước biểu tượng cho những ngọn nến là 56 cây đèn như những nén hương tạo thành hình ngôi sao 5 cánh tượng trưng cho ngôi sao trên lá Quốc kỳ và 56 ngày đêm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngôi sao ngằm nghiêng cũng thể hiện nỗi đau mất mát trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đây là nơi thể hiện lòng thành kính tri ân với thế hệ cha anh đã hy sinh cho chúng ta có cuộc sống ấm no như ngày hôm nay, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Biểu tượng cho sự anh dũng, bất khuất của tinh thần Việt Nam: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!”.
“Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc
Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”.
Tiếp đó, tạm biệt Điện Biên Phủ, đoàn về thành phố Sơn La, thăm quan Di tích Quốc gia đặc biệt - Nhà tù Sơn La, nơi đây được ví như địa ngục để giam cầm, đầy ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người chiến sĩ Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1930-1945, thực dân Pháp đã đày lên Nhà tù Sơn La 14 đoàn tù chính trị với hơn một nghìn chiến sĩ yêu nước Việt Nam như: Khuất Duy Tiến, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Tô Hiệu, Phạm Quang Lịch, Nguyễn Văn Trân, Trần Huy Liệu, Xuân Thủy, Trần Đăng Ninh…
Đoàn được hướng dẫn viên giới thiệu và kể lại quá trình thực dân Pháp giam giữ những người tù kiên trung của cách mạng. Những cái tên như: Xà lim ngầm, xà lim chéo, trại ba gian… và rất xúc động khi được nghe lại mấy vần thơ của nhà báo, nhà thơ Xuân Thủy viết trong những ngày bị giam cầm tại nhà tù Sơn La:
“Lại đến Sơn La lại núi rừng
Nằm trên đỉnh núi mà như bưng
Lờ mờ cửa ngục thông ba lỗ
Thăm thẳm hầm giam, sâu mấy tầng
Tháng tháng cơm sôi đau cả bụng
Đêm đêm sàn đá buốt sau lưng
Ai ơi, sốt rét đừng ra máu
Non nước chờ xem ta vẫy vùng”.
Ngày cuối cùng của hành trình Về nguồn, đoàn đã đến thăm quan di tích Trung đoàn 52 Tây Tiến tại đồi Nà Bó, thị trấn Mộc Châu, là nơi lưu giữ những kỷ vật về đoàn binh Tây Tiến tham gia cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp (1945 - 1954). “Địa chỉ đỏ” này giúp các thế hệ trẻ hôm nay học tập, hiểu hơn về truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc. Đoàn đã làm lễ dâng hương tưởng niệm tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Tây Tiến. Chụp ảnh lưu niệm với trích thư khắc trên đá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các chiến sĩ Bộ đội Tây Tiến…
Kết thúc hành trình “Về nguồn” đầy ý nghĩa với những dấu ấn và kỷ niệm khó quên, chuyến đi chỉ với 04 ngày nhưng đã để lại trong mỗi thành viên tham gia đoàn những tình cảm xúc động, niềm tự hào dân tộc và nhiều ấn tượng tốt đẹp. Đồng chí Nguyễn Minh Thái, Bí thư Liên chi đoàn Nhà máy Bia Hà Nội - Mê Linh (thuộc Tổng CTCP Bia rượu NGK Hà Nội) - thành viên trong đoàn chia sẻ: “Đây là lần đầu tôi đến thăm quan các di tích lịch sử tại Điện Biên, Sơn La, và cũng là lần đầu tiên tôi tham gia đoàn “Về nguồn” cùng với các đồng chí là cán bộ, hội viên đến từ các đơn vị trong Cụm thi đua số 6 - Hội CCB Thành phố Hà Nội; các đồng chí lãnh đạo, đoàn viên Công đoàn Công ty trong Khối; các đồng chí cán bộ, hội viên CCB cơ sở trực thuộc Hội Cựu chiến binh Khối Doanh nghiệp Hà Nội. Chúng tôi đã có cơ hội được giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm công tác, được ôn lại, nghe kể về những câu chuyện thời chiến… Chúng tôi rất cảm ơn Hội Cựu chiến binh Khối, hàng năm, đã tổ chức hoạt động Về nguồn cho đội ngũ cán bộ hội viên, đoàn viên. Và rất mong trong thời gian tới, Hội CCB Khối sẽ tiếp tục tổ chức được những chuyến đi Về nguồn ý nghĩa như vậy”./.
Hồ Phương Hải - VP Hội CCB Khối Doanh nghiệp Hà Nội