Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Siết chặt kỷ luật, khẳng định niềm tin
Publish date
05/04/2018 | 3:09 PM
Chống tham ô, lãng phí là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sinh thời, Người luôn cổ vũ nhân dân giám sát công việc của Đảng, Chính phủ, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham ô, lãng phí, nhằm xây dựng bộ máy Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh. Làm theo tư tưởng của Bác, Đảng ta đã và đang tập trung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với những quy định cụ thể, qua đó góp phần siết chặt kỷ luật trong Đảng, khẳng định niềm tin trong nhân dân.
Phiên xét xử vụ “đại án” OceanBank. Ảnh: TTXVN
Xử lý nghiêm vi phạm
Liên tiếp thời gian qua, những vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn được đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, đưa ra xét xử kịp thời. Một số cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ đương chức và cán bộ nghỉ hưu có vi phạm đã bị xét xử nghiêm minh trước pháp luật. Tiêu biểu như vụ Phạm Công Danh và đồng phạm (giai đoạn II); vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); vụ Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land)... Qua đó khẳng định quyết tâm của Đảng ta trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Phòng, chống tham nhũng là công việc lớn, rất quan trọng. Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết; Quốc hội không kỳ họp nào không bàn; cử tri không cuộc tiếp xúc nào không nói đến. Và không phải đến bây giờ, công tác phòng, chống tham nhũng mới được tiến hành, mà đã làm từ lâu. Nhìn lại năm 2017 có thể thấy, công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo, tiến hành một cách quyết liệt, đồng bộ hơn, bài bản, chắc chắn, với tinh thần nói đi đôi với làm và làm cho bằng được. Vì vậy đã tạo chuyển biến tích cực trên thực tế, kết quả rõ rệt hơn, nhân dân tin tưởng, phấn chấn hơn.
Bên cạnh đó, việc bổ sung các quy định, quy chế nhằm phòng, chống tham nhũng hiệu quả cũng được Đảng luôn chú trọng. Đầu tháng 3 vừa qua, đồng chí Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định 132-QĐ/TƯ ngày 8-3-2018 của Bộ Chính trị về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.
Ngoài những nội dung cơ bản để tổ chức thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình; đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị, tập thể lãnh đạo và cá nhân trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, Quy định 132-QĐ/TƯ cũng nêu rõ, xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ với các tổ chức, cơ quan, đơn vị có đơn vị trực thuộc xảy ra các vụ, việc tham ô, tham nhũng và các vi phạm bị xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoặc tập thể lãnh đạo, quản lý bị xử lý kỷ luật, hoặc có trên 20% số đơn vị trực thuộc bị kỷ luật trong năm.
Quyết tâm xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành mối quan tâm hàng đầu cho việc đấu tranh phòng, chống tham ô, lãng phí. Người luôn cổ vũ nhân dân giám sát công việc của Đảng, Chính phủ, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham ô, lãng phí, nhằm xây dựng bộ máy Đảng, Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tâm niệm, nơi nào có tệ quan liêu, chủ nghĩa cá nhân phát triển thì ở đó có tham ô, lãng phí. Hậu quả nguy hại của tham ô là cản trở, phá hoại sự nghiệp cách mạng, làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta.
Trên cơ sở phân tích sự nguy hiểm, chỉ ra bản chất, nguyên nhân của tham ô, lãng phí, quan liêu, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”. Người cũng khẳng định: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.
Nhận xét về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà Đảng ta thực hiện thời gian qua, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, Đảng ta đã có những bước đi quan trọng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), gắn liền với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo ra sự chuyển biến, đổi mới tích cực cả về nhận thức và hành động. Việc xử lý cán bộ thời gian qua là điều đau đớn, nhưng chúng ta sẵn sàng chấp nhận để chữa cho “cơ thể” của Đảng được khỏe mạnh. Việc kỷ luật cán bộ vừa thể hiện quyết tâm, quyết liệt của Đảng ta, mặt khác cũng rút ra những bài học cần thiết về sự yếu kém của công tác tổ chức cán bộ. Từ đánh giá cán bộ không đúng dẫn đến bố trí không đúng, rồi buông lỏng kiểm tra, giám sát thì mới dẫn đến việc cán bộ mới vào cuộc, còn trẻ, nhưng đã hư hỏng sớm.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống tham nhũng từ trên xuống dưới. Từng cán bộ, đảng viên phải đề cao trách nhiệm cá nhân thì mới phát huy được sức mạnh của gần 5 triệu đảng viên trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Đây chính là một trong các biện pháp cơ bản làm cho bộ máy Đảng, Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh, khẳng định và củng cố niềm tin trong nhân dân về vai trò lãnh đạo của Đảng.
Nguồn: Hà nội mới Online
Tư liệu văn bản
Video
Dự báo thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |