Thông tin DU lịch nổi bật

Chào mừng kỷ niệm 94 năm ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 - 01/8/2024)
Ngày đăng 30/07/2024 | 3:20 PM  | View count: 234

Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo (01-8) mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng, văn hoá sâu sắc. Đó là một mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời, trưởng thành ngày càng vững mạnh của lĩnh vực công tác tuyên giáo của Đảng - lĩnh vực có lịch sử ra đời sớm nhất trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng trong các hoạt động thành lập Đảng Cộng sản cũng như trong công tác lãnh đạo của Đảng.

Lịch sử Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng gắn liền với quá trình ra đi tìm con đường cứu nước và truyền bá con đường cứu nước đó vào Việt Nam của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Ngày 5 tháng 6 năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Vượt qua sự hạn chế về tư tưởng cứu nước của các sĩ phu yêu nước và các nhà cách mạng có xu hướng tư sản đương thời, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, mà sự kiện có ý nghĩa quyết định chính là khi Người đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin đăng toàn văn trên báo Nhân đạo ngày 16 và 17-7-1920. Từ đó, Người ra sức truyền bá con đường cứu nước vào Việt Nam. Công tác tuyên truyền được Nguyễn Ái Quốc và các chiến sĩ cách mạng tiền bối trực tiếp tiến hành bằng các hình thức in ấn, xuất bản, phát hành tài liệu, sách, báo, truyền đơn, tổ chức lớp huấn luyện cán bộ… Đồng thời, các tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã lập ra những bộ phận chuyên phụ trách công tác tuyên truyền như Ban Huấn luyện, Bộ Tuyên truyền….

Những hoạt động đó đã góp phần tích cực tiến tới sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc: thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930. Sau Hội nghị thành lập Đảng, nhiệm vụ công tác tư tưởng của Đảng ta là tuyên truyền những văn kiện của Hội nghị thành lập Đảng, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân giác ngộ cách mạng, hiểu Đảng, ủng hộ Đảng, tin và đi theo Đảng làm cách mạng. Xuất phát từ yêu cầu đó, Đảng đã thành lập Ban Cổ động và tuyên truyền của Đảng. Ban Cổ động và tuyên truyền đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động công nhân, nông dân mít tinh, biểu tình chống khủng bố, đòi độc lập dân tộc, dân chủ. Đặc biệt, vào ngày 01-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng đã xuất bản tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 01/8” nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô-viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với nhân dân, hưởng ứng cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc. Đây là tài liệu duy nhất, sớm nhất còn lưu giữ cho đến nay đề rõ “Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành”. Tài liệu này khi vừa được phát hành đã gây được dư luận rất lớn trong xã hội đương thời và có sức cổ vũ to lớn đối với quần chúng công nông nước ta đứng lên đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ Liên bang Xô-viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Kể từ ngày 01/8 đến tháng 10 năm 1930, trong cả nước đã nổ ra hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân ta.

Từ đó, ngày 01/8/1930 trở thành một mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với sự ra đời của một tài liệu lịch sử quý giá, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa trong công tác tuyên giáo của Đảng.

Căn cứ vào những tài liệu và sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (Khoá VIII) quyết định lấy ngày 01/8 hằng năm làm Ngày Truyền thống công tác tư tưởng - văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 01/8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng.

Như vậy, Ngày 01-8-1930 được coi là Ngày thành lập, hoặc Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng. Nhưng trên thực tế, công tác tuyên giáo đã có từ trước khi thành lập Đảng, từ khi Nguyễn Ái Quốc bắt đầu các hoạt động truyền bá con đường cứu nước vào Việt Nam.

Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo (01-8) mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng, văn hoá sâu sắc. Đó là một mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời, trưởng thành ngày càng vững mạnh của lĩnh vực công tác tuyên giáo của Đảng - lĩnh vực có lịch sử ra đời sớm nhất trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng trong các hoạt động thành lập Đảng Cộng sản cũng như trong công tác lãnh đạo của Đảng. Trải qua lịch sử 80 năm xây dựng và phát triển, cơ quan chuyên trách làm công tác tuyên giáo của Đảng đã có những tên gọi khác nhau và có những lần chia tách, hợp nhất cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng, nhưng trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, lĩnh vực tuyên giáo cũng luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong công tác lãnh đạo của Đảng.

Đây là dịp để cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, các ngành và cán bộ làm công tác tuyên giáo nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của công tác tuyên giáo, coi đó là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Công tác tuyên giáo bao gồm các lĩnh vực: lý luận chính trị, tư tưởng, văn hoá, khoa học, giáo dục… nó tác động đến tư tưởng, trí tuệ, tình cảm của con người một cách tinh tế, nhạy bén, đòi hỏi phải không ngừng tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng với những yêu cầu ngày càng cao mới đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn.

Đây cũng là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại và phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng trên lĩnh vực công tác tuyên giáo. Qua đó, góp phần củng cố, giữ vững trận địa tuyên giáo của Đảng, bảo đảm sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, kiên định các nguyên tắc, nâng cao niềm tin trong Đảng và nhân dân. Đây cũng là dịp các cấp uỷ đảng tăng cường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên giáo; cơ quan quản lý nhà nước các cấp tăng cường mối quan hệ, phối hợp công tác với Ban tuyên giáo các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Thông qua các hoạt động kỷ niệm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo để ôn lại và phát huy truyền thống vẻ vang của Ngành Tuyên giáo, củng cố và tăng cường niềm tin vào mục tiêu lý tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng, bồi đắp thêm niềm tự hào về những đóng góp to lớn của Ngành Tuyên giáo và cuộc chiến đấu vinh quang của các thế hệ đi trước. Đây cũng là dịp để cán bộ Ngành Tuyên giáo và đông đảo cán bộ, chiến sĩ hoạt động trên các lĩnh vực tuyên giáo ra sức phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức, biểu thị quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Tập thể cán bộ cơ quan Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Hà Nội.

Trong những năm qua, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Thành phố; căn cứ điều kiện thực tiễn của tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp, Công tác Tuyên giáo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Hà Nội luôn được Ban Thường vụ Đảng ủy Khối và cấp ủy cơ sở quan tâm chỉ đạo. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức đối với cán bộ, đảng viên, công nhân, người lao động trong Khối luôn được đổi mới. Chất lượng học tập, triển khai quán triệt, cụ thể hóa việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, các chương trình công tác của Thành ủy, Đảng ủy Khối được triển khai đảm bảo đúng về nội dung, kịp về tiến độ, có bước sáng tạo, đổi mới trong công tác chỉ đạo đối với cơ sở. Đã chủ động tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền triển khai thực hiện và sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đảm bảo kịp thời, nghiêm túc. Quá trình tổ chức học tập có nhiều đổi mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn của từng đơn vị, doanh nghiệp; chất lượng được đảm bảo với thời lượng hợp lý.Công tác giám sát, theo dõi việc học tập nghị quyết được thực hiện chặt chẽ; công tác kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết được tăng cường, trong đó đặc biệt quan tâm, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá”; gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 21/01/2019 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; 10 chương trình công tác, 04 nghị quyết chuyên đề của Thành ủy khóa XVII và 04 chương trình công tác của Đảng ủy Khối,...

Đại hội Chi bộ Ban Tuyên giáo, nhiệm kỳ 2022 - 2025.

Cấp ủy sơ sở cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Khối bằng các chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tổ chức phổ biến, quán triệt, phân công cụ thể đối với các tổ chức đảng trực thuộc và từng cán bộ, đảng viên tại các kỳ sinh hoạt của cấp ủy và sinh hoạt chi bộ.

Bên cạnh việc nhận và cấp phát cuốn Thông tin nội bộ từ Ban Tuyên giáo Thành ủy; Đảng ủy Khối chủ động, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về các sự kiện quan trọng, các ngày lễ, kỷ niệm lớn của Thủ đô, đất nước và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp,....

Công tác nắm tình hình dư luận xã hội có nhiều cải tiến, chủ động, kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, người lao động trong bối cảnh hơn hai năm vừa qua các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề từ tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột địa chính trị giữa Nga-Ucraina; từ đó định hướng thông tin, dư luận khách quan, chính xác, tạo sự đồng thuận, ổn định tư tưởng cán bộ, đảng viên, người lao động.

Công tác sơ kết, tổng kết các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch công tác của Trung ương, Thành ủy và của Đảng ủy Khối được chỉ đạo thực hiện đảm bảo thiết thực, đúng tiến độ.

Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Đảng ủy Khối đã ban hành các kế hoạch thực hiện theo chuyên đề hằng năm. Tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Từ thực tiễn tổ chức thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, trong Đảng bộ Khối đã có những mô hình tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đã có 22 tập thể, 25 cá nhân có thành tích xuất sắc được biểu dương, khen thưởng.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên được chú trọng thực hiện. Đảng ủy Khối luôn thực hiện vượt mức kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đề ra hằng năm.

Hoạt động của Cổng thông tin điện tử của Đảng bộ Khối đã góp phần đưa các Chỉ thị, Nghị quyết, các hướng dẫn về nghiệp vụ cũng như công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng tới từng cơ sở. 

Các chủ trương, nghị quyết của Đảng được cụ thể hoá thành các chương trình, kế hoạch gắn với kiểm tra, giám sát; công tác tư tưởng, báo cáo viên, nắm bắt dư luận xã hội, đào tạo, sơ kết, tổng kết được triển khai đúng kế hoạch với nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần vào những thành tích chung của Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Hà Nội.

Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối

(Bài viết có sử dụng tư liệu của Tạp chí Tuyên giáo Trung ương)

 

Thư viện ảnh

Liên kết websites

Dự báo thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh