Chính trị

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: Phát huy ngày càng cao quyền làm chủ của nhân dân
Ngày đăng 11/03/2021 | 3:18 PM

Nhân lõi của tư tưởng cách mạng không ngừng mà Đảng ta luôn trung thành là phát huy ngày càng cao quyền làm chủ của nhân dân, bồi đắp sức dân thành sức nước linh thiêng, cao dày nên trường lũy bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Đại hội XIII) của Đảng không chỉ tiếp tục khẳng định giá trị đó mà còn phát triển, xác lập tư duy mới về vấn đề này.

Cán bộ dân vận và Mặt trận Tổ quốc phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) tuyên truyền cho người dân về việc mở rộng tuyến đường Vũ Trọng Phụng.

Nhân dân là trung tâm của Nghị quyết

Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, đặc biệt là 5 năm nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ta đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm quý báu nêu trong Báo cáo chính trị, qua đó khẳng định, trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "Dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”... Lần đầu tiên, thành tố “Dân giám sát, dân thụ hưởng” đã được đưa vào văn kiện một kỳ Đại hội của Đảng bên cạnh nội dung quen thuộc là: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Mặc dù không nhắc lại phương châm trên, nhưng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đi sâu vào những nội dung mang tính cụ thể hóa, hướng tới hành động. Về quan điểm chỉ đạo, Đảng ta nêu rõ: “... Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ...”. Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Đảng ta cũng khẳng định: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân...”.

Có thể nói, bao trùm nội dung Nghị quyết là nhằm đem lại phồn vinh cho đất nước và hạnh phúc cho nhân dân. Nổi bật, trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu: “Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”; “... tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.

Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ Đại hội XIII nêu trong Nghị quyết, Đảng ta tiếp tục chỉ rõ: “... Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”.

Đó là chưa kể, trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, hàng loạt chỉ tiêu nhằm đem lại sự thụ hưởng một đời sống mạnh khỏe, an toàn và hạnh phúc hơn cho nhân dân đã được xác lập như: Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700-5.000 USD;  tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5% hằng năm; có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh/1 vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tuổi thọ trung bình đạt khoảng 74,5 tuổi...

Được minh chứng bằng hành động

Không chỉ cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong văn kiện Đại hội XIII, Trung ương Đảng đã chú trọng thực hành phương châm bằng nhiều việc làm cụ thể ngay trong quá trình chuẩn bị Đại hội. Cũng chính vì sự thụ hưởng của nhân dân, Nghị quyết Đại hội đã bổ sung ngay một điểm mới đem lại sự phấn khởi cho toàn dân là: “Tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19, tiêm chủng đại trà vắc xin Covid-19 cho cộng đồng”. Với nỗ lực đàm phán, lô vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên đã được đưa về nước ta và bắt đầu được tiêm phòng cho người dân, cùng quyết tâm tự bào chế vắc xin ngừa Covid-19 đang hiện thực hóa quyết tâm chính trị của Đảng ta.

Giờ đây, việc đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống cũng dựa vào lòng dân, trước hết là nhận thức của nhân dân đối với phương châm, quan điểm, hệ giải pháp phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Nhân dân cũng trực tiếp là lực lượng tìm tòi đổi mới, sáng tạo, vận dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất, làm thay đổi tích cực thang giá trị quốc gia, làm thay đổi diện mạo đất nước ngày càng văn minh, hiện đại, bồi đắp cơ đồ Việt Nam cường thịnh, phồn vinh. Nhân dân là người khai sáng và nuôi dưỡng khát vọng dân tộc, là người làm ra của cải cho đất nước, đồng thời nhân dân cũng là người chiến đấu, hy sinh bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Nhân dân là tai mắt của Đảng, hiến kế cho Đảng, đấu tranh chống thói hư tật xấu trong xã hội, xắn tay, ghé vai gánh vác nghiệp lớn quốc gia. Nhân dân cũng phải là đối tượng được ưu tiên thụ hưởng những thành tựu đổi mới của đất nước.

Nếu chỉ có hô hào dân làm chủ mà không có cơ chế, chính sách đủ phát huy quyền làm chủ của nhân dân thì đó vẫn chỉ là dân chủ nói suông, nghe lắm cũng nhàm chán, mất niềm tin của dân với Đảng, Nhà nước, chế độ. Đảng viên “nói đi đôi với làm”, là gương sáng cho nhân dân noi theo, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề “Đối thoại 2045” của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây cũng là hành động sớm đưa tư tưởng “Dân là gốc” trong Nghị quyết Đại hội XIII vào đời sống xã hội. Tới đây, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cũng sẽ là sự kiện hệ trọng, tiếp nối Đại hội XIII, là bước kiện toàn, củng cố, hoàn thiện hệ thống chính trị, làm cho hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, đại diện cho lợi ích của nhân dân. Đảng cũng quyết tâm thực hiện mạnh mẽ hơn nữa Quy chế dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh cơ chế giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội trong khối đoàn kết do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là lực lượng tập hợp.

Thành công từ Đại hội XIII của Đảng là tiền đề chính trị đưa đất nước ta vững tin nắm bắt thời cơ, vận hội mới. Đại dịch Covid-19 đang đặt ra muôn vàn thách thức, nhưng dân tộc ta, Đảng ta, nhân dân ta có đủ kinh nghiệm, bản lĩnh “lửa thử vàng, gian nan thử sức” để vượt qua. Mong mỏi của cán bộ, đảng viên và nhân dân là Đảng cần chỉ đạo quyết liệt việc thể chế hóa cơ chế, chính sách thực thi “khoan thư sức dân”. Sức dân là sức nước ngàn năm, xưa đã vậy, nay vẫn vậy và mai sau cũng không thể khác. Tư tưởng “Dân là gốc” được thăng hoa và phát huy sức mạnh vô địch trong thời đại Hồ Chí Minh, ngày càng được Đảng ta vận dụng sáng tạo cụ thể hóa, sinh động vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó là hành trang tinh thần đưa dân tộc ta đi tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục cam kết trước nhân dân.

 

Nguồn: HNMO

Dự báo thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Doanh nghiệp tiêu biểu