Chính trị
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ ra một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng Đảng là tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Đây là quan điểm có tính nguyên tắc thuộc quy luật của công tác xây dựng Đảng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đề cập từ sớm.
Gắn bó mật thiết với nhân dân là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Nhân tố quyết định thành công
Đảng ta là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên phải là Đảng của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, Đảng là đảng của giai cấp lao động, mà cũng là đảng của toàn dân. Người nhiều lần nhấn mạnh Đảng chỉ có một điều là phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân. Trải qua hơn 90 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ta luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Đặc biệt, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Đại hội XIII) của Đảng, điều này được đưa vào văn kiện đại hội một cách cụ thể, rõ ràng và nổi bật nhất.
Trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu 5 bài học kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn công cuộc đổi mới, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Trong đó, bài học thứ hai ghi rõ: “... Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Điều này đã được cụ thể hóa một cách sâu sắc trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ngay trong mục tiêu tổng quát đã xác định mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, giữa nhân dân với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại...”. Trong quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII cũng nêu rõ, gắn bó mật thiết với nhân dân là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí vô cùng quan trọng của nhân dân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, như: Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện; tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng; thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; tiếp tục nắm vững và xử lý tốt quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ.
Với 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, Đảng ta một lần nữa xác định phải tiếp tục “Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Bằng những chủ trương rõ ràng và sâu sắc như vậy, có thể khẳng định “dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng” nay đã trở thành nguyên tắc quan trọng, tất yếu đòi hỏi sự quan tâm của các cấp ủy, tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên.
Đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết
Thực chất của việc dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng như Hồ Chí Minh chỉ ra là “theo đúng đường lối nhân dân”, sẵn chí phụng sự nhân dân với sáu nội dung cơ bản. Đó là: Đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; việc gì cũng bàn với nhân dân và giải thích cho nhân dân hiểu rõ; có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; sẵn sàng học hỏi nhân dân; tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo.
Theo Hồ Chí Minh, “đảng viên thì phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng. Tức là hết lòng ra sức phục vụ nhân dân, tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, học hỏi nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân và không một phút nào xa rời nhân dân, cùng nhân dân kết thành một khối”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, vấn đề đặt ra hiện nay là các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị phải hiểu thấu, làm đúng công tác dân vận nói chung, về quyền hành, lực lượng, trí tuệ của nhân dân nói riêng. Công tác dân vận phải “đúng” và “khéo”. Đúng mà không khéo, dễ rơi vào rập khuôn máy móc, nguyên tắc cứng nhắc, cực đoan, hiệu quả thấp; khéo mà không đúng dễ rơi vào hình thức, mỵ dân.
Để đạt được hai tiêu chí “đúng” và “khéo” phải tập trung xây dựng, đắp bồi hai trụ cột là cơ chế và con người. Phải hoàn thiện cơ chế, tăng cường phối hợp, thực hiện quy chế công tác dân vận của cả hệ thống chính trị; phối hợp giữa chính quyền, các cơ quan, tổ chức với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Các cơ quan Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp cùng chung tay làm công tác dân vận. Cơ chế phải thể hiện ở việc cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Cơ chế liên quan đến việc thực hiện các quy định về dân chủ cơ sở; công tác tiếp dân, đối thoại với dân, giải quyết những bức xúc, kiến nghị chính đáng, hợp pháp liên quan đến đời sống của dân. Đặc biệt chú trọng cơ chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; cơ chế nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ, tổ chức và nghị quyết của Đảng. Trong quá trình vận động phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự biến đổi nhanh chóng của cơ cấu xã hội, rất cần đa dạng hóa các hình thức tổ chức và phương cách tập hợp, vận động, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Trụ cột con người phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên”, thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, hỏi dân, nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý, có trách nhiệm với dân, quan tâm dân quyền, dân sinh, dân trí, dân chủ và thực hành tốt “dân vận khéo”. Đó vừa là lý luận vừa là thực tiễn sáng giá trong việc dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng thời gian qua, soi sáng công tác xây dựng Đảng thời gian tới.
PGS.TS Bùi Đình Phong
(Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
Nguồn: HNMO