KINH TẾ - XÃ HỘI -DU lịch - dịch vụ
Kiên định mục tiêu bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh tốt nhất, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có các chỉ đạo kịp thời, sát thực tiễn đối với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.
Gầy đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục ký ban hành Công điện số 644/CĐ-TTg (ngày 13-7-2023) yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Luôn hành động trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, chia sẻ, công tác cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp đã được thực hiện nhất quán, quyết liệt và đạt hiệu quả thiết thực. Nổi bật là các bộ, ngành, địa phương đã, đang tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh sắp xếp, kiện toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian. Đặc biệt, quá trình thực thi công vụ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chú trọng kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cùng với đó, công tác cải cách thủ tục hành chính đã gắn với chuyển đổi số, từng bước đổi mới việc thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thúc đẩy việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Kết quả đáng ghi nhận là từ năm 2021 đến nay, cả nước đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.352 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại 191 văn bản quy phạm pháp luật; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa gần 1,1 nghìn quy định của 10 bộ, cơ quan. Đặc biệt, các bộ, ngành đã công khai, cập nhật hơn 17,8 nghìn quy định kinh doanh; cung cấp hơn 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN đã thực hiện 250/261 dịch vụ công trực tuyến của 13 bộ, ngành với hơn 55 nghìn doanh nghiệp tham gia...
Công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tuy có nhiều cố gắng nhưng thực tế chưa đáp ứng yêu cầu. Nổi lên là việc cải cách thủ tục hành chính tại một số bộ, ngành, địa phương còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Phản ứng chính sách trước yêu cầu thực tiễn xã hội còn chậm, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Đáng nói là trong thời gian gần đây, thực tế ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc; có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan, địa phương… Hệ quả là quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước...
Với tính chất quan trọng của công tác cải cách thủ tục hành chính đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế nêu trên là rất cấp bách và cần thiết. Vì thế, trong Công điện số 644/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, trong mọi quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua đều lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là động lực và mục tiêu của sự phát triển. Và trong cải cách thủ tục hành chính cũng vậy, đích đến là phải tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Trên tinh thần này, các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức thực hiện quyết liệt, đi vào trọng tâm, trọng điểm, thống nhất, xuyên suốt, hiệu quả; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tuyệt đối không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh thủ tục, chi phí, thời gian không cần thiết.
Cùng với đó, công bố công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các thủ tục hành chính để các cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện.
Đặc biệt, quá trình triển khai thực hiện cần phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.
Công tác cải cách thủ tục hành chính là một hành trình dài, có không ít khó khăn, thách thức. Do đó, các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu phải kiên trì lắng nghe, chia sẻ, xác định tinh thần lấy khó khăn, thách thức làm động lực để phấn đấu, trưởng thành và phát triển. Chỉ có như vậy chúng ta mới đạt được cái đích hướng đến là tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.