KINH TẾ - XÃ HỘI -DU lịch - dịch vụ

Giảm sức ép cho nguồn cung thịt lợn trong nước
Ngày đăng 19/12/2019 | 9:02 AM

Ngày 18-12, giá lợn hơi tại miền Bắc tạm “đứng” sau gần 10 ngày tăng liên tục, dao động từ 95.000 đồng đến 105.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp bán lẻ khẳng định sẽ bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết, nhằm ngăn chặn việc một số tiểu thương tăng giá bất hợp lý.

Bên cạnh đó, một giải pháp khác cũng được ngành Công Thương đưa ra là kiểm soát thị trường, khuyến khích người dân sử dụng các loại thực phẩm tươi sống khác và thịt lợn đông lạnh thay thế thịt lợn tươi, nhằm giảm sức ép cho nguồn cung trong nước.

Người tiêu dùng mua thịt lợn đông lạnh tại siêu thị Co.opmart Hà Đông.

 

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới ngày 18-12 ở một số chợ truyền thống tại khu vực nội thành Hà Nội như: Chợ Hàng Bè (Hoàn Kiếm), chợ Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng), chợ Nhân Chính (quận Thanh Xuân)… giá thịt lợn đang ở mức 160.000-200.000 đồng/kg. Mức giá này không tăng so với một vài ngày trước nhưng đã tăng từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg so với tuần đầu tháng 12-2019. Tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, giá thịt lợn ổn định, không tăng so với tuần đầu tháng 12-2019 do lượng cung ổn định.

Bà Trần Thị Hải, tiểu thương kinh doanh thịt lợn lâu năm tại chợ Nhân Chính (quận Thanh Xuân) phản ánh, giá thịt lợn tăng thời gian qua chủ yếu do một bộ phận người chăn nuôi, nhà sản xuất nhận thấy nhu cầu tiêu dùng cuối năm sẽ tăng nên đã “găm” hàng khiến nguồn cung thiếu hụt.

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 11-2019, đàn lợn cả nước đã giảm 22% so cùng kỳ năm 2018. Còn tại Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nhu cầu thịt lợn của người dân trong dịp Tết là khoảng 22.300 tấn lợn hơi/tháng, tăng khoảng 18% - 20% so với các tháng khác. Hiện, đàn lợn toàn thành phố có 1,18 triệu con, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong tháng này nhưng đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sẽ thiếu hụt do nhu cầu tăng cao. Vì vậy, để bảo đảm nguồn hàng hóa phục vụ dịp Tết, ngoài nguồn cung tại chỗ, Sở Công Thương Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp dự trữ thịt lợn cấp đông và thịt phục vụ sản xuất thực phẩm chế biến.

Các doanh nghiệp bán lẻ cũng khẳng định sẽ bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết, qua đó ngăn chặn việc một số tiểu thương tại các chợ truyền thống tăng giá bất hợp lý. Ngoài ra, để dự trữ thực phẩm tươi sống, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn, các doanh nghiệp bán lẻ như Big C, Co.opmart, Vincommerce, Hapro đã chuẩn bị hệ thống kho lạnh để dự trữ hàng hóa. Đáng chú ý, ngoài việc khai thác nguồn hàng tại các tỉnh phía Bắc, các siêu thị này đã lên phương án để sẵn sàng vận chuyển một lượng lớn thịt lợn từ thị trường phía Nam đưa ra tiêu thụ tại Hà Nội.

Là đơn vị cung cấp cho Hà Nội mỗi tháng 300 tấn thịt lợn tươi sống và dự kiến dịp Tết sẽ tăng sản lượng thêm 50%, ông Võ Việt Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thực phẩm chế biến Nam Hà Nội cho biết, công ty đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp cung ứng nên bảo đảm không thiếu nguồn cung thịt lợn và đang cung cấp cho nhiều siêu thị trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Đình Tường - Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) thông tin thêm, hiện hợp tác xã có 7 trang trại chăn nuôi với quy mô 2.000 con lợn; đang tăng số đầu con lên 10%, cung ứng 40 tấn thịt lợn an toàn sinh học dịp Tết này với giá ổn định đã ký kết với các công ty, siêu thị...

Về việc bù đắp nguồn cung, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, sau hơn 2 tháng thực hiện hướng dẫn của Bộ, nhiều địa phương như Bình Định, Đồng Nai, Phú Thọ, Thanh Hóa… đã đẩy mạnh tái đàn lợn và dự kiến sẽ có sản phẩm vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Còn theo ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), trong 10 tháng năm 2019, cả nước đã nhập khẩu 96.000 tấn thịt lợn, trị giá hơn 108 triệu USD. Thế nhưng sau thời điểm trên, một số nhà nhập khẩu đã tạm dừng nhập do giá thịt lợn nhập khẩu bắt đầu tăng. Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) phân tích thêm, các doanh nghiệp chủ yếu nhập theo đặt hàng của các đối tác tiêu thụ trong nước do thịt lợn nhập khẩu chủ yếu tiêu thụ ở các nhà máy, xí nghiệp, bếp ăn… Bên cạnh đó, người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng thịt đông lạnh nên doanh nghiệp chưa dám nhập khẩu nhiều.

Để tránh tình trạng người chăn nuôi, tiểu thương kinh doanh găm hàng, đẩy giá, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nêu giải pháp, trước mắt khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm thay thế thịt lợn và sử dụng thịt lợn đông lạnh thay thế thịt lợn tươi, nhằm giảm sức ép cho nguồn cung trong nước. Bên cạnh đó, ngành Công Thương sẽ phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội đẩy mạnh kiểm soát thị trường, ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng tăng giá, gây bất ổn thị trường của các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn.

 

Văn phòng Chính phủ ngày 17-12 có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019. Cụ thể, Phó Thủ tướng phê bình Bộ NN&PTNT chậm báo cáo và thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao. Đồng thời yêu cầu Bộ NN&PTNT khẩn trương báo cáo Thủ tướng về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng về việc thiếu hụt thịt lợn, giá tăng cao ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, an sinh xã hội.

 

Nguồn: HNMO

Dự báo thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Doanh nghiệp tiêu biểu