Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM

Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác chính là làm tốt công việc của mình
Ngày đăng 15/05/2017 | 5:11 PM

Đó là lời chia sẻ của hầu hết các tấm gương điển hình tại buổi “Giao lưu điển hình tiêu biểu học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Anh Văn Công Hoà: “Học tập và làm theo lời Bác rất đời thường không cần phải cao siêu gì!”
Là tổ trưởng sản xuất và chi ủy viên phân xưởng Cán, Công ty Cổ phần Thép Nhà Bè thuộc Tổng Công ty Thép Việt Nam, anh Hòa luôn được đồng nghiệp và cấp trên quý mến, tin tưởng bởi đức tính cần cù, chịu khó, làm việc hết mình, lối sống giản dị, trung thực, khiêm tốn. Ghi nhận sự tận tâm cống hiến của anh, hàng chục năm qua anh đã được bình bầu danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, được Bộ trưởng Bộ Công Thương tặng bằng khen 2012, tôn vinh Chiến sỹ thi đua ngành Công Thương 2013.
Trong dịp tổng kết thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, anh đã được Đảng ủy Tổng Công ty Thép Việt Nam, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương và Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về những thành tích xuất sắc trong việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh 2010-2015.

Anh Văn Công Hoà (ngoài cùng bên trái).

Làm thợ cơ khí sửa chữa thiết bị ngành thép từ năm 1990 đến nay, anh Văn Công Hòa không nhớ mình đã tự tay hồi sinh bao nhiêu bộ phận thiết bị máy móc quan trọng, nhất là trong những giai đoạn đất nước còn khó khăn, phụ tùng vật tư phải mua bằng từng đồng ngoại tệ chắt chiu dành dụm được.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện dự án di dời nhà máy từ TP Hồ Chí Minh về Khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai), cùng với lãnh đạo phân xưởng và Phòng Kỹ thuật, anh Hòa đã thiết kế chế tạo nhiều trang thiết bị giúp cho việc tháo dỡ, vận chuyển và lắp đặt thiết bị chính xác, giảm gần một nửa thời gian của các hạng mục quan trọng, như hệ thống định vị móng máy, hệ thống nhận dạng thiết bị…
Chia sẻ về sáng kiến của mình trong việc di dời nhà máy, giúp cho công ty tiết kiệm rất nhiều thời gian, tiền bạc, anh Văn Công Hoà cho biết đó cũng chính là việc Học theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là phải tiết kiệm. Do một nhà máy Thép có rất nhiều thiết bị, phức tạp, nên anh có sáng kiến tháo từng “cụm” vì nếu tháo cụm thì lắp lại đỡ tốn thời gian, công sức. Anh đã truyền đạt những kinh nghiệm về cách xử lý công việc của mình cho anh em, các đồng nghiệp cùng góp ý, rồi đưa ra phương án làm việc tốt nhất. Đó cũng là làm theo câu nói của Bác “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công thành công đại thành công”. Vận dụng học tập theo Bác, khó cũng khó mà dễ cũng dễ. Nó rất đời thường không cần phải cao siêu gì.
Khi được hỏi cảm nghĩ của mình về cái tên mà bạn bè đồng nghiệp yêu mến đặt cho là “ông Hoà sáng kiến”, anh Hoà cho biết anh cảm thấy vui nhưng áp lực và thấy cần phải học hỏi thêm nữa.
Bà K’Hiếu - Tấm gương về ý chí vươn lên và tấm lòng nhân hậu của người cán bộ cơ sở
Bà K’Hiếu sinh năm 1959, dân tộc K'Ho, hiện là Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận Tổ quốc Tổ dân phố Xoan, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Bà K’Hiếu, dân tộc K'Ho.

Là người có thâm niên trong hoạt động hội phụ nữ ở cơ sở, từ năm 1979 bà đã được bầu làm Chi hội trưởng Hội phụ nữ Tổ dân phố, gần 30 năm gắn bó với công tác phụ nữ, với sự đóng góp của bà, Chi hội Phụ nữ luôn có phong trào hoạt động vững mạnh, được cấp ủy Đảng, chính quyền khen thưởng, ghi nhận. Năm 2009, bà được bầu làm Bí thư Chi bộ Tổ dân phố kiêm Trưởng tổ vay vốn và Y tế thôn bản cho đến nay.
Với vai trò, trách nhiệm là người đứng đầu tổ dân phố, bà luôn có ý thức và có lối sống tiên tiến, gương mẫu trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền vận động nhân dân loại bỏ dần những phong tục lạc hậu trong cưới hỏi, ma chay...
Một trong những tâm niệm của cả cuộc đời bà K’Hiếu là giúp đỡ những mảnh đời cơ nhỡ bất hạnh, không nơi nương tựa. Vốn xuất thân là trẻ mồ côi không cha, không mẹ, không nhà cửa, sống lay lắt qua cửa các gia đình với thân phận là người giúp việc, trong quá trình đi ở và làm công tác xã hội bà đã gặp những mảnh đời bất hạnh đã thấu hiểu nổi đau khổ, khốn cùng.
Vì vậy, từ năm 1979 đến nay, bà đã lần lượt cưu mang và nhận làm con 8 trẻ mồ côi, trong đó có 1 trẻ bị mù và 1 trẻ bị bệnh đao. Những tưởng cuộc sống cần cù, chăm chỉ làm ăn để lấy tiền nuôi các con ăn học, nhưng khó khăn lại chất chồng khó khăn khi năm 2000 bà phát hiện người con tên K’Niệm có dấu hiệu bị bệnh tâm thần.
Từ đó, mẹ con bồng bế nhau đi chạy chữa từ các bệnh viện trong tỉnh đến bệnh viện Nhi đồng, bệnh viện Biên Hòa… Hành trình chữa bệnh cho K’Niệm bắt đầu từ khi cháu được 6 tháng tuổi đến nay số tiền chữa bệnh đã lên đến hơn 150 triệu đồng. Sau bao năm chạy chữa mà bệnh tình của K’Niệm không hề thuyên giảm, đến nay gia đình bà phải tạm ngưng việc chữa bệnh vì không còn tiền.
Năm 2001, trong lúc phải dốc toàn lực chữa bệnh cho K’Niệm, khó khăn thiếu thốn đủ bề thì K’Nhiếu bị mù không nơi nương tựa lại đến xin bà cho ở nhờ. Bà không nỡ khước từ… Đến nay, trong số các con đã có 3 người trưởng thành lập gia đình ở riêng, 2 con vẫn đang sống với bà và 2 con mắc bệnh hiểm nghèo. Với tấm lòng nhân ái, bao dung, bà cho rằng bất cứ ai, ở bất kỳ cương vị, hoàn cảnh nào cũng có thể làm công tác từ thiện nhân đạo và như vậy xã hội sẽ nhờ đó mà tốt đẹp hơn.
Vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn, gian khổ, cáng đáng cả việc làng lẫn việc nhà, bà vẫn trăn trở: Tổ dân phố hôm nay đã có nhiều tiến bộ nhưng người dân tộc thiểu số vẫn còn gặp nhiều khó khăn mà cần có sự quan tâm hơn nữa của cấp trên. Trình độ dân trí, kiến thức làm ăn của bà con còn hạn chế, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi còn chậm. Bà mong mỏi các cấp có thẩm quyền hỗ trợ hơn nữa để bà con bớt nghèo, bớt khổ, để cuộc sống gia đình bà bớt khó khăn và có tiền chữa bệnh cho 2 con…
Với những cố gắng đóng góp cho xã hội, bà K’Hiếu đã vinh dự 2 lần được UBND tỉnh tặng Bằng khen; UBND huyện Lâm Hà khen thưởng và nhiều lần được tuyên dương trong công tác vận động quần chúng. Năm 2010, bà được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2015, bà vinh dự được UBND tỉnh đề nghị cấp có thẩm quyền trình Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.
Thiếu tá Chu Văn Quang - Tấm gương sáng cho lòng dũng cảm

Thiếu tá Thiếu tá Chu Văn Quang, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát Đặc nhiệm số 1,

Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động.

Thiếu tá Chu Văn Quang, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát Đặc nhiệm số 1, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, là tấm gương sáng cho lòng dũng cảm. Thiếu tá Chu Văn Quang vinh dự được trao tặng Huân chương chiến công hạng ba, được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huy chương Tuổi trẻ dũng cảm.
Luôn kiên quyết, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong đấu tranh với tội phạm, chân thành với đồng đội, tận tuỵ với công việc, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy để bảo vệ bình yên cho cuộc sống của nhân dân, Thiếu tá Chu Văn Quang đã góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của người chiến sĩ công an nhân dân.
Hơn 20 năm phục vụ trong lực lượng cảnh sát đặc nhiệm, trưởng thành từ người lính, Thiếu tá Chu Văn Quang đã tham gia phá hàng trăm vụ án quan trọng. Tiêu biểu như phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế triệt phá đường dây buôn lậu lớn nhất miền Bắc tại hang Dơi Lạng Sơn, Chuyên án 279 LL phối hợp với công an Sơn La đấu tranh bắt giữ đối tượng buôn bán trái phép chất ma tuý tại xã Lóng Luông (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), thu giữ 18 súng các loại, 528 bánh heroin. Bản thân là thương binh loại A, nhưng trong những trận chiến đấu anh vẫn kiên quyết tấn công tới cùng, khiến cho những tên tội phạm nguy hiểm phải khuất phục.
Chia sẻ về tinh thần đấu tranh bắt giữ đối tượng buôn bán trái phép chất ma tuý tại xã Lóng Luông (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), Thiếu tá Chu Văn Quang cho biết anh luôn phải tính kỹ các phương án sao cho bảo đảm an toàn nhất cho các chiến sĩ trong tổ đặc nhiệm của mình, ngoài ra còn phải tính đến yếu tố không làm ảnh hưởng đến gia đình, người thân của đối tượng tội phạm. Anh luôn ghi nhớ 6 điều Bác Hồ dạy chiến sĩ công an nhân dân. Anh luôn tâm niệm “Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo" để đấu tranh đến cùng với tội phạm.
Thiếu tá Chu Văn Quang cho biết: “Bản thân tôi mặc dù có nhiều khó khăn vất vả, bản thân còn 2 lần bị thương nữa, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ chuyển sang công việc khác. Có lực lượng công an nhân dân, lực lượng cảnh sát cơ động, tôi mới có được ngày hôm nay. Tôi nguyện đem hết sức mình để cống hiến cho đất nước, tôi nguyện góp một phần công sức nhỏ bé của mình để bảo vệ nhân dân, bảo vệ sự bình yên của đất nước”.
 
                                                                                            Tuyết Minh
 
Nguồn: Hànộimới Online
 

 

Dự báo thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Doanh nghiệp tiêu biểu